Lượt xem: 556

Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy và nỗ lực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2023

Năm 2022 khép lại với nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19. Song, toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã hết sức nỗ lực, gặt hái được những kết quả quan trọng, nổi bật, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp năm mới 2023, đồng chí Đàm Lực Sĩ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng đã có những trao đổi, chia sẻ về nội dung này.

 


Đồng chí Đàm Lực Sĩ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Chí Bảo

    * Trong bối cảnh nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19, xin đồng chí chia sẻ về kết quả mà ngành BHXH tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong năm 2022?

    Đồng chí Đàm Lực Sĩ: Như chúng ta đã biết, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực như: Số người tham gia giảm sâu do tình trạng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, cắt giảm lao động; số nợ BHXH tăng…

    Năm 2022, tình hình COVID-19 được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội đã dần phục hồi và đi vào ổn định, trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành liên quan, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện mọi chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ do BHXH Việt Nam giao. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của BHXH Việt Nam đã giao đến hết tháng 12/2022 như sau: Tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 70.055 người, đạt tỷ lệ 100,03%; tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 14.245 người, đạt tỷ lệ 100,46%; tổng số người tham gia BHTN là 62.639 người, đạt tỷ lệ 100,10%; tổng số người tham gia BHYT là 1.123.551 người, đạt tỷ lệ 100,01%.

    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh đã phát huy triệt để những bài học kinh nghiệm, chủ động lường trước những khó khăn, tập trung khai thác, phát triển các nhóm người tiềm năng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng thu, giảm nợ. Đảm bảo quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia và thụ hưởng; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH kịp thời, an toàn, đúng quy định; quản lý và sử dụng hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các kịch bản phù hợp để tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT bền vững. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo hướng sâu hơn, rộng hơn ở tất cả hoạt động nghiệp vụ, phát triển mạnh mẽ ứng dụng VssID-BHXH số; thực hiện ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng tương tác đa phương tiện giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan BHXH, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các lĩnh vực; thực hiện giao dịch điện tử kết nối dữ liệu với các cơ sở khám, chữa bệnh... Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao sự hài lòng từ phía người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

    Có thể khẳng định, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói chung cũng như phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN nói riêng của BHXH tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

    * Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành BHXH tỉnh hiện nay còn những khó khăn gì thưa đồng chí?

    Đồng chí Đàm Lực Sĩ: Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức của ngành BHXH tỉnh Sóc Trăng, đó là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng lúc chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao… So với mặt bằng chung của khu vực và cả nước thì Sóc Trăng vẫn còn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; trình độ dân trí thấp, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đã tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói chung.

    Từ ngày 01/01/2022, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, do đó mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng tăng theo. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT, chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, đời sống của đa số người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định, do đó khó có khả năng đảm bảo tài chính để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

    * Với những kết quả đạt được của năm 2022, trong năm 2023, BHXH tỉnh Sóc Trăng sẽ hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

    Đồng chí Đàm Lực Sĩ: Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT càng trở nên quan trọng. Hơn bao giờ hết, từ thực tiễn và những kết quả đạt được của năm 2022, BHXH tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy hơn nữa và lan tỏa tinh thần phục vụ để người dân, người lao động càng thêm tin tưởng, xem cơ quan BHXH, chính sách BHXH, BHYT là chỗ dựa vững chắc cho mình. Năm 2023, BHXH tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nỗ lực cố gắng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ những mặt công tác thường xuyên, đồng thời tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó chú trọng tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chủ động tham mưu, đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

    Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.

    Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

    Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

    Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

    * Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quỳnh Anh (thực hiện)



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 8022
  • Trong tuần: 78,729
  • Tất cả: 11,802,049